Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, trấn động địa cầu & Chí nhân, đại nghĩa làm nên sức mạnh cố kết dân tộc, triệu người như một trước các thế lực ngoại xâm. Không một kẻ thù nào đến đất nước này mà lại không phải đối mặt với cả một dân tộc luôn cháy bỏng lòng yêu nước…
Số phận lịch sử đã đặt nước ta ở vị thế địa chính trị đặc biệt: nằm cạnh láng giềng to lớn đầy tham vọng và án ngữ 1 trong những con đường giao thương quan trọng bậc nhất thế giới.
“Đằng giang tự cổ huyết do hồng”
Giang Văn Minh
“Đem ĐẠI NGHĨA thắng hung tàn, lấy CHÍ NHÂN thay cường bạo”
Sau mười năm “nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối”, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo giành thắng lợi. Đội quân xâm lược nhà Minh bị đuổi về nước. Tổng kết cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại Cáo rằng: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn / Lấy chí nhân để thay cường bạo. Câu nói không chỉ ứng vào cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi – Nguyễn Trãi lãnh đạo, mà đó còn là đạo lý dựng nước và giữ nước của cha ông ta trong hàng nghìn năm lịch sử.
Ta hiểu vì sao một đất nước nhỏ bé nhưng suốt chiều dài lịch sử của mình đã phải tiến hành hàng chục cuộc chiến tranh giữ nước, hàng chục cuộc khởi nghĩa để chống lại mưu đồ xâm lược và ách thống trị của ngoại bang. Từ kiếp nô lệ đau thương, nhân dân ta đã vùng đứng dậy, giành lấy quyền sống, quyền độc lập cho dân tộc, cho đất nước mình. Trước bất kỳ kẻ thù hung bạo nào, nhân dân ta luôn kiên cường chống trả, quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi, gìn giữ vẹn toàn đất nước.
Một dân tộc nhỏ bé đã làm nên biết bao kì tích trong lịch sử giữ nước của mình. Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa, Điện Biên Phủ… mãi mãi là những bài ca bất hủ của một dân tộc chưa bao giờ biết cúi đầu trước cường quyền, bạo lực.
Điều gì đã giúp cha ông ta làm nên những kì tích ấy? Câu trả lời đã có từ thuở xa xưa. Trong Bình Ngô đại cáo, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã viết:
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.”
Hôm nay có thể là kẻ thù nhưng ngay sau có thể là bạn, là đối tác hợp tác…
Đó có lẽ là câu trả lời đúng nhất, sâu sắc nhất, ý nghĩa nhất về sức mạnh và cũng là nguyên nhân mọi thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước hàng ngàn năm qua.
Đại nghĩa vì chúng ta luôn quang minh chính đại. Chủ quyền đất nước là thiêng liêng đối với tất cả các dân tộc trên thế giới. Xâm phạm quyền ấy là phi nghĩa, bảo vệ quyền ấy là chính nghĩa. Bởi thế, không một cuộc xâm lăng nào của các thế lực ngoại bang từ xưa đến nay là chính nghĩa. Thất bại có mầm mống ngay từ hành động phi nghĩa ấy, cho nên “trời không dung, đất không tha” là vì thế.
Chí nhân là nét độc đáo trong phẩm cách của người Việt trên dải đất hình chữ S này. Nó được hình thành và nuôi dưỡng trong suốt chiều dài của lịch sử. Nền văn hóa ngàn đời đã làm nên cốt cách con người Việt Nam và đạo lí dân tộc. Để rồi thế hệ nối tiếp thế hệ, cha ông ta luôn ứng xử đậm chất nhân văn, không chỉ trong thời bình mà cả trong chiến tranh giữ nước. Chẳng thế mà chúng ta dù yếu vẫn chống được mạnh, dù ít vẫn địch được nhiều, thậm chí “chẳng đánh mà người chịu khuất” bởi vì ông cha ta biết phát huy vũ khí lợi hại “mưu phạt tâm công”: đánh vào lòng người. Và khi kẻ thù đã chấp nhận thất bại thì sẵn sàng “mở đường hiếu sinh”. Chí nhân là thế. Đại nghĩa là thế.
Chí nhân, đại nghĩa làm nên sức mạnh cố kết dân tộc, triệu người như một trước các thế lực ngoại xâm. Không một kẻ thù nào đến đất nước này mà lại không phải đối mặt với cả một dân tộc luôn cháy bỏng lòng yêu nước. Không biết tự bao giờ ông cha ta đã nhận thức rất rõ: bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn dân. Cho nên giặc đến nhà đàn bà cũng đánh! Chỉ có khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc thì mới có thể đánh thắng mọi thế lực xâm lăng, giữ yên bờ cõi.
Sức mạnh tinh thần ấy xuất phát từ đại nghĩa, từ chí nhân của một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình và tôn trọng dân tộc khác. Và những bài học lịch sử bằng xương máu mà các thế hệ ông cha ta để lại, muôn đời con cháu phải ghi nhớ. Những bài học ấy còn để dạy cho những kẻ vẫn ôm mộng xâm lăng đất nước này biết: dân tộc Việt Nam không dễ gì bị bắt nạt!
ĐIỆN BIÊN PHỦ – Lừng lẫy năm châu Chấn động địa cầu
Điện Biên Phủ đã được Pháp xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm, với sự đầu tư xây dựng, trang bị hiện đại và được các chuyên gia quân sự Pháp, Mỹ đánh giá là “pháo đài bất khả xâm phạm”, “mồ chôn của Việt Minh”. Nhưng kết cục, đây trở thành mồ chôn chính chúng.
Đó là một nỗ lực phi thường thể hiện bản lĩnh của một dân tộc, một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, đang phải tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ đầy gian khổ, hi sinh. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng,” tính chung trong chiến dịch, nhân dân ta đã “đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền.”
Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu hiện cao đẹp của tinh thần yêu nước và khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của dân tộc ta. Đó là một động lực tinh thần to lớn trong hoạt động quân sự của quân và dân ta, biểu hiện ở lòng căm thù giặc sâu sắc, quyết tâm chiến đấu tới cùng, chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ để giành thắng lợi. Trong thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi các cấp ủy và cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 11-5-1954, nêu rõ: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng rất lớn của quân và dân ta từ trước đến nay,… Bộ đội trên Mặt trận Điện Biên Phủ đã quyết tâm tiêu diệt địch, chịu đựng gian khổ, anh dũng chiến đấu. Bộ đội và dân quân du kích trên chiến trường toàn quốc đã liên tục hoạt động phối hợp. Cán bộ và chiến sĩ trong và ngoài Đảng đã trên dưới một lòng hoàn thành nhiệm vụ. Nhân dân đã tích cực tham gia kháng chiến, hăng hái phục vụ tiền tuyến, đi dân công”.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta sử dụng hơn 21.000 chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km. Lực lượng xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương, mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30 đến 40 xe, chia thành các nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao. Mỗi đoàn xe thồ có một xe chuyên chở phụ tùng thay thế, sửa chữa dọc đường. chiếc xe đạp của chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng (đoàn Phú Thọ, có chuyến chở 325 kg hàng, gấp 13 lần một người gồng gánh) từng giữ kỷ lục trong một chuyến chở lương thực phục vụ tiền tuyến – một con số khủng khiếp đối với một người nông dân nhỏ bé và chiếc xe đạp thồ đơn sơ. Trong một lần chở hàng đến ngã ba Nghĩa Lộ, xe của ông đã bị kiểm tra đột xuất với khối lượng hàng hóa trên xe là 325 kg. Kỷ lục này được Ban chi viện chiến dịch xác nhận, biểu dương rộng rãi trên toàn mặt trận.
Kết thúc chiến dịch, đoàn xe đạp thồ T20 Phú Thọ đã vận chuyển được 85 tấn hàng cho mặt trận, vượt chỉ tiêu 15%, được tặng thưởng lá cờ “Nông Lâm Quốc tế”. Riêng ông Thắng đã vận chuyển được 3.700 kg hàng hóa trên tổng chiều dài 2.100 km đường rừng núi và chiếc xe ông sử dụng để phục vụ chiến dịch đã trở thành chiếc xe đạp thồ có năng suất cao nhất chiến dịch. Với thành tích nổi bật này, ông Thắng đã được Ban Chỉ huy chiến dịch và Ban Cung cấp mặt trận tặng thưởng hai bằng khen, một Huân chương Chiến công hạng Ba. Hiện chiếc xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 2.
Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở khối liên minh công – nông trở thành “vũ khí” mạnh nhất của nhân dân ta; bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Đó chính là thắng lợi của lòng dũng cảm, ý chí quyết chiến, quyết thắng, đức hy sinh, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn của Quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang Việt Nam trước những thử thách khắc nghiệt, tạo nên sức mạnh vô địch để chiến thắng quân xâm lược. Chiến thắng Điện Biên Phủ đồng thời là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu bền chặt, thủy chung son sắt giữa quân đội và nhân dân ba nước Đông Dương, sự đoàn kết, giúp đỡ to lớn của các nước anh em, bạn bè quốc tế.
Năm 1993, khi sang thăm Việt Nam, đến thăm lại chiến trường cũ Điện Biên Phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp M. Bigeard, nguyên Trung tá, Phó chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nói với một nhà quay phim nước ngoài: “Nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”. Còn Tướng Christian de Castries, sau khi thất bại trở về Pháp, đã trả lời trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp về thất bại Điện Biên Phủ năm 1954 rằng: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”.
Trong thắng lợi đó, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được thể hiện rõ qua những quyết định về chủ trương chiến lược đúng đắn, sáng tạo, kịp thời của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch; kịp thời thay đổi phương châm tác chiến – yếu tố có ý nghĩa trực tiếp quyết định thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ. nắm chắc tình hình, kịp thời đề ra chủ trương chiến lược đúng đắn; lựa chọn mục tiêu tác chiến phù hợp, có ý nghĩa quyết định giành thắng lợi.
Diễn biến của chiến dịch đã thể hiện bước trưởng thành vượt bậc về tác chiến của quân đội ta. Quyết tâm chuyển đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là quyết định lịch sử đúng đắn, sáng tạo, một minh chứng về tài quân sự, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và lòng dũng cảm của vị Tổng Tư lệnh – Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như sự đồng lòng của toàn dân ta. Việc điều chỉnh phương châm tác chiến này kéo theo việc chuẩn bị lại chiến dịch với muôn vàn khó khăn, từ thế trận bố trí lực lượng đến nhu cầu hậu cần tăng lên gấp nhiều lần, song Quân đội nhân dân Việt Nam quyết tâm thực hiện và đã thực hiện thành công với một nỗ lực rất lớn.
Trong hầu hết các chiến dịch trước, bộ đội ta quen đánh theo lối đánh du kích, đánh vào ban đêm có địa hình ẩn náu, nhưng chiến dịch Điện Biên Phủlại là chiến dịch công phá một Tập đoàn cứ điểm mạnh, một “Pháo đài bất khả xâm phạm”. Quân đội nhân dân Việt Nam phải chiến đấu trong một thời gian dài, đánh cả đêm lẫn ngày, trên một địa hình bằng phẳng, trơ trọi kéo dài từ Mường Thanh đến Hồng Cúm, dưới sự uy hiếp thường xuyên của không quân và pháo binh của đối phương.
Thực hiện phương châm tác chiến “Đánh chắc, tiến chắc” với chiến thuật “vây hãm kết hợp tiến công”, Bộ Chỉ huy mặt trận đã chủ trương: Phải xây dựng “trận địa tiến công và bao vây”, một hình thức tác chiến hết sức độc đáo và mới mẻ, chưa từng có trong lịch sử chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Để đối phó với các cứ điểm phòng ngự kiên cố của Pháp, quân ta đã thực hiện chiến thuật “vây lấn” bằng cách đào các giao thông hào thành một hệ thống siết chặt. Hệ thống chiến hào là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nắm được âm mưu của địch, để hạn chế thương vong trước hỏa lực của địch, Bộ tư lệnh chiến dịch áp dụng chiến thuật đào hào vây lấn để siết chặt vòng vây và tiếp cận dần vào các vị trí của quân Pháp.
Đánh lấn là một trong những chiến thuật đặc biệt mà ta sử dụng đầu tiên trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến thuật này do bộ đội ta sáng tạo ra trong quá trình đánh địch ở Điện Biên Phủ được vận dụng để thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, tức là bao vây, đánh dần từng bước, tiêu diệt từng bộ phận địch từ ngoại vi vào tung thâm. Đánh theo cách này, ta có điều kiện tập trung binh hỏa lực, ưu thế tuyệt đối trong từng trận, tạo nên sức mạnh áp đảo để thắng địch.
Trong thời gian chuẩn bị cho chiến dịch, tại Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh mở 6 tuyến đường cơ động đưa pháo vào trận địa, ta còn xây dựng hàng loạt những trận địa giao thông hào, các trận địa xuất phát tiến công của bộ binh, nhiều trận địa hỏa lực của pháo binh, pháo cao xạ.
Một là loại giao thông hào trục, dùng cho việc cơ động bộ binh, pháo binh, vận chuyển thương binh, hình thành một đường vòng rộng, vây quanh toàn bộ trận địa ở Khu trung tâm; hai là loại giao thông hào tiếp cận của bộ binh, xuất phát từ vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng, tiến vào những vị trí xác định tiêu diệt địch. Dọc giao thông hào có các hố phòng pháo, hầm trú ẩn, hào chiến đấu và ụ súng để đối phó với những đợt phản kích của địch. Các loại giao thông hào thường có độ sâu 1,7m (lút đầu người), đáy hào trục rộng 1,2m, đáy hào bộ binh rộng 0,6m.
Từ mọi hướng, chiến hào quân ta phát triển một cách vững chắc tới gần trung tâm đề kháng của địch. Trong toàn bộ thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, hệ thống chiến hào, giao thông hào của quân ta đã bao vây, chia cắt Tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp.
Trong toàn bộ thời gian chiến dịch, một hệ thống chiến hào – giao thông hào dài dằng dặc, đã bao vây, chia cắt tập đoàn cứ điểm của quân đội Pháp. Điều ấy chứng tỏ rằng trên chiến trường này, lần đầu tiên trong lịch sử quân sự, quân ta đã thật sự tiến hành chiến tranh chiến hào. Với việc xây dựng hệ thống hầm, hào chiến đấu, hào giao thông, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thể hiện nghệ thuật chiến tranh du kích, lấy ít địch nhiều, đặc biệt là chiến tranh hầm hào, nghệ thuật vây lấn, góp phần quyết định thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau chiến tranh, khi tổng kết, nghiên cứu về Chiến dịch Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh và các nhà nghiên cứu của hai bên đều thống nhất cho rằng, một nguyên nhân chính làm nên chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tại chiến dịch này là cách đánh sáng tạo, tổ chức tốt lực lượng, thế trận, sự trưởng thành vượt bậc của tác chiến tiến công hiệp đồng binh chủng và huy động được rất lớn sức người để bảo đảm hậu cần cho chiến dịch, một việc mà Pháp cho rằng không thể giải quyết được. Chỉ thị của Ban Bí thư ngày 11-5-1954 về việc tổ chức cuộc tuyên truyền, động viên mở rộng thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ khẳng định: “Thắng lợi này chứng tỏ quân ta đã tiến một bước vượt bậc về mặt chiến thuật, kỹ thuật, chỉ huy tác chiến và xây dựng quân đội vì trận Chiến dịchĐiện Biên Phủ là một trận công kiên lớn chưa từng có trong lịch sử từ trước đến nay đã kết thúc bằng sự toàn thắng của ta”(4). Trong cuốn hồi ký “L’Agonie de L’Indochine” (“Đông Dương hấp hối”), một tác phẩm phân tích nguyên nhân thất bại của Pháp tại Đông Dương, tác giả H. Navarre khẳng định: “Nếu Tướng Giáp tiến công vào khoảng 25 tháng 1 như ý đồ ban đầu thì chắc chắn ông ta sẽ thất bại. Nhưng không may cho chúng ta, ông đã nhận ra điều đó và đây là một trong những lý do khiến ông tạm ngưng tiến công”.
Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế để làm nhân lên sức mạnh của ta trên con đường đi đến thắng lợi cuối cùng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, Đảng ta luôn coi trọng sự đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của quân và dân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia anh em.
Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ đó đã làm cho sức mạnh chiến đấu của ba dân tộc Việt – Lào- Campuchia được nhân lên gấp bội, còn kẻ thù thì phải phân tán lực lượng để đối phó với ta trên khắp chiến trường Đông Dương, tạo điều kiện để ta giành thắng lợi ở mặt trận chính Điện Biên Phủ.
Với quan điểm coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới và luôn kiên định thực hiện đường lối đoàn kết quốc tế trong sáng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, nên từ năm 1950, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ to lớn của các lực lượng dân chủ, tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Pháp, và đặc biệt là của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa mà nhân dân ta đang tiến hành.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự hội tụ của nhiều nhân tố hợp thành, nhưng ngọn nguồn sâu xa của những nhân tố đó chính là sức mạnh văn hóa – nhân tố cốt lõi của Chiến thắng. Cùng với đó là bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, được thể hiện qua sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, Bác Hồ, của những vị chỉ huy tài ba, mưu lược cũng như của toàn thể nhân dân Việt Nam, có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phòng chống dịch bênh Covid-19 hiện nay, bản lĩnh và trí tuệ ấy vẫn luôn là tiềm năng quý giá của dân tộc ta, cần được khơi dậy và phát huy để tạo thành nguồn sức mạnh tổng hợp, đưa sự nghiệp cách mạng vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG – B52 Đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá
Sau Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán để tìm đường rút lui trong danh dự. Phía ta coi như mở thêm một mặt trận ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới, giảm bớt sức căng ở chiến trường. Tính từ phiên khai mạc ngày 13-5-1968, cho đến khi Hiệp định được ký kết, ngày 27-1-1973, Hội nghị kéo dài 57 tháng trời, dài như cuộc chiến tranh thế giới thứ hai! Mục tiêu của ta là đất nước sạch bóng xâm lược, tốt nhất là làm cho Mỹ rút hết quân, không can thiệp, giảm bớt hy sinh đến mức tối đa.
Ngày 15-12 Cố vấn Lê Đức Thọ và Kissinger chia tay, ngừng đàm phán, bước lên máy bay ai về nhà nấy từ sân bay Le Bourger (Paris). Tối 18 tháng 12, Lê Đức Thọ vừa về đến Hà Nội, những trái bom từ bụng B 52 Mỹ cũng ào ạt ném xuống thủ đô Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Không có gì bất ngờ! Hàng nghìn năm đánh giặc, đã cho Nhân dân ta những bài học xương máu, những kinh nghiệm quý giá, một nền nghệ thuật quân sự đỉnh cao. Ngày 19-7-1965, đến thăm Trung đoàn 324, bộ đội Phòng không-Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dù đế quốc Mỹ lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh. Mà đã đánh là nhất định thắng”.
Vào một buổi tối mùa xuân năm 1968, Bác Hồ lại nói với đồng chí Phùng Thế Tài, lúc này là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, phụ trách PKKQ: :“Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua… Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Tháng 9-1971, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: Năm 1972, hoặc là địch sẽ rút nếu đạt được giải pháp; nếu chưa đạt, địch có thể tập trung không quân đánh phá mạnh ra miền Bắc.
Đầu tháng 12-1972, Tổng Bí thư Lê Duẩn xuống Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không – Không quân, trực tiếp chỉ thị cho Tư lệnh Lê Văn Tri “Trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ném bom Hà Nội; quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không – Không quân phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng”.
Trước đó, một trung đoàn tên lửa của bộ đội Phòng không Hà Nội đã bí mật vào Khu Bốn, gồm cả Trị Thiên để đánh B52, tổng kết thành sách đỏ, phổ biến trong toàn quân; bộ đội ra đa tổng kết kinh nghiệm chống nhiễu và phát hiện B 52.
Từ tháng 5-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ Tổng Tư lệnh, Cục Tác chiến và Quân chủng Phòng không đặt vấn đề: “Tỷ lệ B-52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?”. Các phương án được đưa ra:
N1: Nếu chỉ 1-2% (trên tổng số B-52 tham chiến) bị bắn rơi thì Mỹ còn chịu đựng được.
N2: Nếu 6 – 7% B52 bị bắn rơi thì Nhà trắng rung chuyển, chính quyền lung lay.
N3: Nếu tỷ lệ B52 bị bắn rơi hơn 10%, Mỹ buộc chấp nhận thua cuộc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị phải phấn đấu mức N3.
Trong 12 ngày đêm Tháng Chạp năm 1972, Mỹ đã huy động 197 trên tổng số 400 chiếc B52 Mỹ có. Quân dân ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 B52 (17,6%, vượt mức N3). Đó là những ngày hào hùng “pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ” nhưng cũng là những ngày đau thương. Ngày 26-12, phố Khâm Thiên đổ nát, 287 người dân bị giết hại trong đêm. Bệnh viện Bạch Mai bị san phẳng. Chúng không đẩy được Việt Nam về thời kỳ đồ đá như tuyên bố nhưng đã gieo tang tóc và sức phá hoại khủng khiếp. Tôi được nghe nhà báo Thép Mới trực tiếp kể rằng, ngày 25-12, ông đến khách sạn Thống Nhất trên đường Tràng Tiền để gặp một số khách và nhà báo nước ngoài. Đó là ngày thứ 7 Hà Nội và các thành phố lớn phải hứng chịu những trận mưa bom không ngớt. Có một ông khách vừa sợ hãi, vừa lo lắng cho ta thốt lên “Bom B52 ném thế thì Hà Nội sập hết, còn gì! Hà Nội phải làm thế nào?” Một nữ tự vệ, một cô gái Hà Nội, nhân viên phục vụ khách sạn Thống Nhất trả lời: “Nhà cửa có thể sập nhưng có một thứ không sập được, đó là con người. Con người có thể chết nhưng phẩm giá không chết được”!
Đế quốc Mỹ quyết định tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 nhằm mục tiêu sau:
Đánh phá huỷ diệt tiềm lực kinh tế quốc phòng của miền Bắc, trước hết là tàn phá Hà Nội, thành phố cảng Hải Phòng, khu gang thép Thái Nguyên… ngăn cản sự chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam. Làm tê liệt ý chí chiến đấu, quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta, ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản sửa đổi của họ; đe dọa phong trào đấu tranh vì hòa bình độc lập dân tộc của nhân dân thế giới. Quy trình bắt B52 trong nhiễu của Binh chủng ra đa. Cách chống nhiễu thông tin của Bộ đội thông tin. Cách đánh B52 của tên lửa SAM2, của máy bay MIG21 của Pháo cao xạ 100 ly. Cách đánh máy bay chiến thuật của Không quân và Hải quân Mỹ. Cách đánh máy bay cường kích F111. Cách đánh máy bay trinh sát thấp. Cách đánh máy bay ném bom điều khiển bằng tia laze. Cách chống tên lửa không đối đất Sơrai.
Để thực hiện mưu đồ rất thâm độc và tàn bạo này, theo lệnh của Tổng thống Nixon, từ tháng 11 năm 1972, Lầu Năm góc đã chính thức xây dựng kế hoạch cho cuộc tập kích đường không chiến lược mang tên “Cuộc hành binh Linebacker II”. Theo kế hoạch này, Nhà Trắng và Lầu Năm góc đã huy động một lực lượng vũ khí kỹ thuật khổng lồ và hiện đại bậc nhất của không quân và hải quân Mỹ. Đây là cuộc huy động lực lượng tập kích đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ kể từ sau Đại chiến thế giới lần thứ hai đến năm 1972, gồm: Gần 50% tổng số máy bay B52 hiện có (193/404 chiếc); hơn 1/3 tổng số máy bay chiến thuật (cả tiêm kích và cường kích là 1.077/3.041 chiếc, trong đó có 01 biên đội F111 với 50 chiếc); chưa kể hàng trăm máy bay trinh sát, máy bay gây nhiễu, máy bay tiếp dầu, máy bay chỉ huy liên lạc dẫn đường; 1/4 tổng số tàu sân bay của toàn nước Mỹ (6/24 chiếc); 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7.
Các máy bay B52 xuất phát từ 02 sân bay Guam và U-Tapao (Thái Lan). Các máy bay chiến thuật xuất phát từ 6 tàu sân bay đậu trên Biển Đông và 6 sân bay trên đất Thái Lan. Bên cạnh đó là một loạt căn cứ hậu cần kỹ thuật của Mỹ đóng ở Nhật, Philippines.
Đáng chú ý, tất cả các máy bay chiến lược và chiến thuật được huy động vào trận tập kích đường không chiến lược này đều có tính năng kỹ thuật tối ưu phục vụ cho các ý đồ chiến lược, chiến thuật của cuộc tập kích như: Hệ thống máy gây nhiễu điện tử từ xa lắp trên các máy bay đặc chủng để gây nhiễu như EA6A, EB66-B-C-D-E, EC121, và lắp trên mỗi chiếc B52 là 15 máy, lắp 2 máy trên một máy bay tiêm kích hộ tống các B52. Cho nên mỗi tốp B52 (3 chiếc) đã có 45 máy gây nhiễu điện tử từ xa, và 45 máy bay F4 hộ tống với 90 máy điện tử gây nhiễu. Trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972, trước mỗi đợt tập kích không quân Mỹ thả sợi kim loại tạo thành một bức tường nhiễu tiêu cực bằng kim loại cao từ 3-4 km, rộng 5-6 km, dài 40-70 km. Trong mỗi đợt tập kích, lúc nào trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng đều có một tốp 02 máy bay gây nhiễu điện tử từ xa, mỗi chiếc mang theo 25 máy gây nhiễu liên tục gây nhiễu tích cực đối với hệ thống ra đa của ta, cùng với thủ đoạn dùng B52 tập kích vào ban đêm nên hầu như loại trừ mọi khả năng quan sát bằng các kính quang học nhìn xa của các đài quan sát dưới đất và khả năng nhìn trực tiếp của các phi công MIG21; bên cạnh đó là thủ đoạn gây nhiễu “Giả B52”. Bộ Quốc Phòng Mỹ đã coi nhiễu điện tử là niềm kiêu hãnh của nền công nghiệp hàng đầu của Mỹ, là sức mạnh siêu phàm, là lá bùa màu nhiệm. Với cuộc chiến tranh điện tử này, chúng có thể làm mù toàn bộ hệ thống ra đa của đối phương, từ hệ thống ra đa cảnh giới dẫn đường, ra đa tên lửa, ra đa pháo phòng không đến hệ thống thông tin liên lạc của ta.
Nói một cách khái quát, chúng ta đối mặt với một cuộc chiến tranh điện tử hiện đại nhất của Mỹ trong thế kỷ XX. Cuộc chiến tranh điện tử này là một hình thái tổng hợp giữa yếu tố kỹ thuật của các thiết bị điện tử tối tân nhất với các thủ đoạn chiến thuật cực kỳ tinh vi và lợi hại. Bằng hệ thống gây nhiễu điện tử này, theo tính toán của Bộ Chỉ huy không lực Hoa Kỳ, lực lượng pháo đài bay B52 trở thành lực lượng tập kích đường không khổng lồ nhưng lại là lực lượng ” tàng hình” nên sẽ loại hoàn toàn tên lửa và pháo phòng không ra khỏi đối tượng tác chiến. Do đó ngay từ đêm đầu tiên của chiến dịch, sau khi tiến hành đồng loạt các thủ đoạn gây nhiễu, Bộ Chỉ huy không quân Mỹ cho lực lượng cường kích bay thấp F111 F4, F105, A6, A7, A4 đồng loạt tiến công tất cả các sân bay ở Hà Nội, Bắc Giang, Yên Bái, Hải Phòng, Thanh Hóa. Tiếp ngay sau đó là tung lực lượng pháo đài bay B52 xông vào rải thảm bom để hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác. Để đưa Hà Nội về thời “đồ đá”, trong 12 ngày đêm, chúng đã rải hơn 100.000 tấn bom, phá hủy 5.400 ngôi nhà, hơn 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, giết hại 2.388 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác. Độ tàn bạo của cuộc rải thảm bom hủy diệt này như một “Hirosima không có bom nguyên tử”.
Lực lượng dân quân tự vệ Hà Nội ngoài 4 trung đội pháo cao xạ 100 ly còn có gần 200 trận địa trung liên, đại liên, súng máy 12,7 ly, 14,5 ly:
Về phía ta, năm 1972, Bộ đội phòng không-không quân phải đảm đương 3 nhiệm vụ rất nặng nề: Tham gia chiến đấu trong đội hình quân binh chủng hợp thành ở chiến trường phía nam; bảo vệ vùng giải phóng Quảng Trị và giao thông vận tải chiến lược trên địa bàn Quân khu 4 và sẵn sàng đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không vào Hà Nội, Hải Phòng. Buộc phải dàn lực lượng tên lửa và pháo phòng không để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ chiến lược, lực lượng tên lửa bảo vệ Thủ đô có 10 tiểu đoàn (3 trung đoàn) và sau bổ sung thêm vài tiểu đoàn nữa. Bảo vệ Hải Phòng có 2 trung đoàn tên lửa. Pháo cao xạ của Hà Nội, Hải Phòng cùng với lực lượng phòng không của Quân khu 3, Quân khu Việt Bắc cũng chỉ có 15 trung đoàn. Lực lượng dân quân tự vệ Hà Nội ngoài 4 trung đội pháo cao xạ 100 ly còn có gần 200 trận địa trung liên, đại liên, súng máy 12,7 ly, 14,5 ly. Máy bay tiêm kích MIG21, loại có tính năng vượt trên tầm cao của B52 chỉ có vài trung đoàn nhưng số phi công lái MIG21 có khả năng bay đêm lại không nhiều. Lực lượng ra đa cảnh giới dẫn đường cũng chỉ có gần 30 đại đội được bố trí khắp miền Bắc.
Căn cứ vào những số liệu về lực lượng địch-ta nói trên, rõ ràng lực lượng của Mỹ chiếm ưu thế áp đảo cả về số lượng và kỹ thuật– đúng như Nixon đã khẳng định trong một cuốn sách của mình: “Trong lịch sử nhân loại, chưa hề có một quốc gia nào chiếm ưu thế hơn hẳn về vũ khí như Hoa Kỳ so với Bắc Việt Nam…” [1]
Trong cuộc chiến đấu không cân sức này, quân dân Hà Nội, Hải Phòng, mà nòng cốt là lực lượng phòng không-không quân, đã đi vào trận quyết chiến 12 ngày đêm lịch sử với sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 18/6/1965, Mỹ đưa 30 B52 vào ném bom khu căn cứ Long Xuyên của ta ở huyện Bến Cát. Một tháng sau, ngày 19/07, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho quân dân ta: ” Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “Bê” gì đi nữa ta cũng đánh… mà đã đánh là nhất định thắng”. Ngày 12/6/1966, Mỹ cho B52 ném bom đèo Mụ Giạ ở Quảng Bình rồi mở rộng ra đến Vĩnh Linh, Bác Hồ gặp Chính ủy quân chủng phòng không-không quân và giao nhiệm vụ: “Máy bay B52 Mỹ đã ném bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B52. Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú phòng không-không quân”. Thực hiện nhiệm vụ Bác giao, từ năm 1966-1967, quân chủng phòng không-không quân đã cử hai đoàn cán bộ tên lửa, một đoàn cán bộ ra đa, một đoàn cán bộ thông tin, một đoàn cán bộ không quân vào tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh và biên giới Việt – Lào để nghiên cứu nhiễu, nghiên cứu B52, đồng thời đưa hai trung đoàn tên lửa, và một số phi đội MIG21 vào trực tiếp đánh B52 trên vùng trời Quảng Bình, Vĩnh Linh để rút kinh nghiệm.
Từ kết quả điều tra nghiên cứu cách đánh B52 ở vùng trời Quảng Bình, Vĩnh Linh, Nghệ An và biên giới Việt – Lào, cùng những kinh nghiệm xương máu trong phương pháp “vạch nhiễu” tìm B52 của tên lửa và MIG21 trên vùng trời khu vực này, Bộ tham mưu quân chủng cùng các binh chủng của quân chủng đã tổng kết biên soạn được các cuốn sách:
Các tài liệu này thực sự là Cẩm nang quý để truyền thụ và tổ chức luyện tập thành thạo từng cách đánh cụ thể cho từng đối tượng cụ thể. Riêng cuốn Cẩm nang đánh B52, tập thể những chuyên gia biên soạn cuốn sách này đã được đưa đến các tiểu đoàn tên lửa ở Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An để huấn luyện cho các kíp trắc thủ.
Đầu xuân năm 1968, Bác Hồ đã mời Tổng tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam Phùng Thế Tài, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không – không quân lên và Bác đã đưa ra một dự báo và nhận định thiên tài: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở miền Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”.
Sau chỉ thị của Bác, một kế hoạch đặc biệt quan trọng mang tên “Phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B52 của Mỹ, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng” của Quân chủng phòng không- không quân ra đời ngày 27/2/1968. Bản kế hoạch này đã gợi mở một số vấn đề rất cơ bản, một số nội dung quan trọng. Từ những vấn đề được gợi mở của Bản kế hoạch đầu tiên này, tiếp thu những thông tin quý giá, những kinh nghiệm xương máu của các lực lượng quân báo, các đơn vị ra đa, tên lửa, cao xạ, không quân, thông tin, hậu cần, kỹ thuật, đến năm 1972, phương án ban đầu được liên tục bổ sung, phát triển thành “Phương án tháng 5/1972”, “Phương án tháng 9, phương án tháng 11”. Đây là bản kế hoạch đánh B52 hoàn chỉnh nhất đã được Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng ký duyệt ngày 24/11/1972. Phương án lịch sử này là sự kết tinh bản lĩnh, khí phách, trí tuệ của Đảng vĩ đại, Bác Hồ kính yêu, quân đội anh hùng, quân chủng phòng không – không quân anh hùng!
Phương án lịch sử này đã tiếp thu được những kinh nghiệm xương máu của Trung đoàn tên lửa SAM2 Hạ Long (E238), Trung đoàn ba lần anh hùng trong quá trình bám trụ và chiến đấu kiên cường tại đất lửa Vĩnh Linh, với chiến công đầu, bắn rơi hai máy bay B52 ngày 17/4/1967.
Từ cuối tháng 11 đến nửa đầu tháng 12/1972, phương án chung này của Quân chủng đã được cụ thể hóa thành những kế hoạch chiến đấu của từng binh chủng như ra đa, tên lửa, cao xạ, không quân…, được tổ chức luyện tập nghiêm túc, chu đáo, được cán bộ chỉ huy các cấp và các đơn vị xử lý thành thạo những tình huống đặt ra.
10h30 ngày 17/12/1972, theo lệnh của Bộ Tổng tham mưu, toàn bộ lực lượng của quân chủng phòng không – không quân, cùng lực lượng dân quân tự vệ của Hà Nội, Hải Phòng… đã vào tư thế sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Quân dân Hà Nội, Hải Phòng… đã thực sự chủ động đi vào chiến dịch lịch sử 12 ngày đêm tháng chạp năm 1972.
Đến 22h20, thực hiện lệnh của Tiểu đoàn trường D59.E261, sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận đã ấn nút phóng đưa quả đạn tên lửa mang số hiệu C202A vạch trời đêm bay trúng đích
Đêm ngày 18/12, binh chủng ra đa cảnh giới dẫn đường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ canh trời Tổ quốc. Lúc 19h, Đại đội 16 ra đa phát hiện có nhiễu B52, kíp trắc thủ trực ban của đại đội đã kịp thời thông báo những tọa độ đầu tiên của B52 khi đang bay lên phía Thượng Lào. Khi tốp B52 đầu tiên còn cách Hà Nội 300 km, toàn bộ lực lượng của Quân chủng phòng không – không quân vào tư thế sẵn sàng chiến đấu cấp I. Đến 22h20, thực hiện lệnh của Tiểu đoàn trường D59.E261, sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận đã ấn nút phóng đưa quả đạn tên lửa mang số hiệu C202A vạch trời đêm bay trúng đích hạ tại chỗ chiếc B52-G xuất phát từ Guam, rơi xuống địa phận Phù Lỗ, Đông Anh, Hà Nội. Đây là chiếc B52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trong chiến dịch, cũng là chiến công đầu, ngay trong ngày đầu của quân dân Thủ đô anh hùng. Đêm đầu tiên của chiến dịch, quân dân ta bắn rơi 3 pháo đài bay B52, bắt sống 7 giặc lái.
Trong 12 ngày đêm của chiến dịch lịch sử “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không”, Binh chủng tên lửa lập chiến công cao nhất: Bắn rơi 36 trên tổng số 81 máy bay các loại, trong đó có 29 máy bay B52 trên tổng số 34 máy bay B52 bị bắn rơi. Tất cả 16 máy bay B52 bị bắn rơi tại chỗ đều là chiến công của Bộ đội tên lửa anh hùng. (Các Tiểu đoàn tên lửa bắn rơi tại chỗ 16 B52 là: Tiểu đoàn 77 bắn rơi 4 B52, có 3 B52 rơi tại chỗ. Tiểu đoàn 57 bắn rơi 4 B52, có 2 B52 rơi tại chỗ. Tiểu đoàn 78 bắn rơi 3 B52, có 2 B52 rơi tại chỗ. Tiểu đoàn 93 bắn rơi 3 B52 đều rơi tại chỗ. Tiểu đoàn 59 bắn rơi 3 B52, có 1 B52 rơi tại chỗ. Tiểu đoàn 72 bắn rơi 1 B52 rơi tại chỗ Hồ Hữu Tiệp quận Ba Đình Hà Nội). Các cán bộ chiến sĩ tên lửa đã sáng tạo những cách đánh đầy bản lĩnh, thông minh để xử lý mọi thủ đoạn gây nhiễu, gạt được các tên lửa không đối đất Shrike, tách được nhiều B52 giả, tiết kiệm tên lửa, nâng cao hiệu quả tiêu diệt B52. Các chiến sĩ lái xe chở tên lửa đã vượt qua bom đạn cung cấp đạn kịp thời cho các trận địa tên lửa. Các chiến sĩ của các Tiểu đoàn 5 lắp ráp, nạp nhiên liệu cho tên lửa đã sáng tạo nên những sáng kiến khôi phục hàng nghìn quả tên lửa quá đát, có những chiến sĩ chấp nhận nhiễm độc của nhiên liệu tên lửa nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.
Bộ đội không quân dũng cảm, thông minh, sáng tạo khắc phục biết bao khó khăn để chiến đấu với địch: Có lúc phải dùng trực thăng cẩu MIG21 đi giấu để tránh máy bay trinh sát địch dò tìm. Hay địch đánh hỏng đường băng chính, ta dùng đường băng phụ; đường băng phụ hỏng ta dùng đường lăn, đường lăn hỏng ta cất cánh từ các sân bay dã chiến vòng ngoài. Thực hiện khẩu hiệu: “Địch phá ta sửa, ta bay”. Mỗi lần đường băng bị bắn phá, công binh phối hợp với nhân dân địa phương lập tức san lấp, sửa chữa cho máy bay cất cánh. Đối phó với số lượng máy bay của địch nhiều, không quân ta đánh du kích, dùng tốp nhỏ, chiếc lẻ với khẩu hiệu: “Một người, một máy bay vẫn tấn công”, bất ngờ đột kích, vượt qua hàng đàn máy bay hộ tống tiếp cận điểm yếu của B52 tiêu diệt địch. Đêm ngày 27/12 phi công Phạm Tuân và đêm 28/7 phi công Vũ Xuân Thiều đã lập công xuất sắc bắn rơi 02 máy bay B52. Không quân nhân dân Việt Nam là lực lượng không quân đầu tiên trên thế giới bắn rơi pháo đài bay B52 của Mỹ.
Bộ đội pháo cao xạ được giao nhiệm vụ chủ yếu đánh máy bay chiến thuật để trực tiếp bảo vệ các mục tiêu và nhất là bảo vệ các trận địa tên lửa, các sân bay. Chính các đơn vị cao xạ tầm thấp đã bố trí đón lõng và tổ chức cảnh giới tốt nên đã hỗ trợ kịp thời bắn rơi tại chỗ 5 máy bay cánh cụp cánh xòe F111 trên tổng số 48 chiếc được huy động trong chiến dịch. Các đơn vị pháo trung cao 100 ly đã bắn rơi 03 máy bay B52 trong 02 đêm 24 và 26/12. Bộ đội cao xạ trong chiến dịch lịch sử đã đã lập công xuất sắc bắn rơi 39 máy bay trên tổng số 81 chiếc (48%).
“Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không”, Một nét đặc sắc trong tư tưởng chỉ đạo tác chiến trong phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng là đã dự báo với độ chính xác rất cao các đường bay mà B52 sử dụng để tấn công Hà Nội. Vì xác định đúng các đường bay B52 vào đánh Hà Nội, Hải Phòng nên số lượng đơn vị tên lửa, pháo phòng không, MIG21 của ta rất có hạn nhưng đã bố trí đủ lực lượng cần thiết trên từng đường bay, nhất là tạo được lưới lửa nhiều tầng trên các hướng đường bay chủ yếu.
Chưa bao giờ đế quốc Mỹ chịu tổn thất nặng nề như trong chiến dịch “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không”, 12 ngày đêm đánh vào Hà Nội, Hải Phòng… Trong chiến dịch lịch sử này, 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi trong đó: 34 máy bay B52, 05 máy bay F111, 21 máy bay F4, 04 máy bay A6A, 12 máy bay A7, 01 máy bay F105, 02 máy bay RA5C, 01 trực thăng HH53, 01 trinh sát 147SC. Đúng như Phó Chỉ huy không quân chiến lược Mỹ, tướng George Eade phải cay đắng thú nhận: “Tổn thất về máy bay chiến lược B52 cùng phi hành đoàn là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm góc”.
Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” là đài vinh quang chói lọi, là niềm kiêu hãnh tự hào về Đảng vĩ đại, Bác Hồ kính yêu, về dân tộc Việt Nam anh hùng và quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, về quân chủng phòng không – không quân anh hùng với bốn binh chủng: Tên lửa, không quân, pháo cao xạ, ra đa.
Chiến công hiển hách này là sự minh chứng hùng hồn sức mạnh của văn hóa Việt Nam, sức mạnh của sự kết hợp hài hòa các yếu tố cách mạng và khoa học, giữa bản lĩnh vững vàng, khí phách tiến công, quyết đánh và trí tuệ biết đánh thắng, sự kết hợp giữa tinh thần lạc quan tin tưởng với đức hy sinh cao thượng. Sự kết hợp hài hòa các yếu tố tinh thần này để tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền văn hóa Việt Nam.